CÂU CHUYỆN NHÀ Ở VÀ VĂN HÓA QUA GÓC NHÌN CỦA KIẾN TRÚC SƯ
Trong khuôn khổ cuộc thi thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” do Tập đoàn Thạch Bàn phối hợp với Tạp chí Kiến trúc và Hội Kiến trúc sư trẻ, ngày 29/7, Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức cuộc trò chuyện giữa Kiến trúc sư (KTS) – Nhà báo và Doanh nghiệp với chủ đề “Nhà ở và văn hóa ở”.
Cuộc trò chuyện có sự tham gia của ông Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Cty Kiến trúc Avant, KTS Hoàng Thúc Hào – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, KTS Bùi Bình Minh – Giám đốc Cty CP Kiến trúc Xây dựng và Thương mại Queen; KTS, nhà văn Trương Quý. Các diễn giả tham gia cuộc trò chuyện đã chia sẻ những thông tin và nhu cầu của người sử dụng với những người trong nghề nhằm đưa ra những nhìn nhận, đánh giá và tìm kiếm các giải pháp thiết kế nhà ở hướng đến nâng cao chất lượng không gian đô thị.
KTS Đoàn Kỳ Thanh – Giám đốc Cty Kiến trúc Avant đã chia sẻ câu chuyện về một người nông dân mới học hết lớp 12 anh đã tự tay vẽ, xây dựng và vận hành công trình homestay khi anh chuyển sang lĩnh vực du lịch. Các homestay của anh ta đều được khách nước ngoài đặc biệt yêu thích và trở thành công trình có giá cao thuê cao. Điều này cho thấy, một người dù không qua trường lớp nghề nghiệp vẫn có thể làm được một sản phẩm tốt có giá trị như vậy.
KTS Nguyễn Quốc Thông thì cho rằng văn hoá ở khắp nơi. Nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn là nơi để người ta sống. Trách nhiệm của KTS khi làm công trình nhà ở là cùng với việc thỏa mãn nhu cầu ở, đồng thời phải góp phần nâng cao trình độ văn hóa ở.
Ông Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ “Văn hóa nhà ở là cách sống, mô típ sống, kiểu sống, quan hệ gia đình trong ngôi nhà đó. Ở phương tây, khi trưởng thành, cha mẹ sống tách biệt với con cái. Riêng ở Việt Nam, truyền thống có hiếu, ông bà, cha mẹ, con cháu sống quây quần trong môt ngôi nhà”.
Ông Vạn cũng cho biết, nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Điều này đã phản ánh một khía cạnh khác, rất đẹp của tâm tình người Việt, ấy là sự hội tụ tâm sức, tài hoa, quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ….
Các KTS có mặt tại Tọa đàm đều đồng tình cho rằng, cuộc sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra sự đổi thay to lớn của lĩnh vực nhà ở. Thay vì chỉ là nơi trú ngụ đơn thuần, Nhà ở còn là nơi thể hiện những thị hiếu thẩm mỹ và công năng đa dạng. Những nhà thiết kế đứng trước những cơ hội để thể hiện tài năng của mình nhưng đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, với vai trò là người thiết kế, sáng tạo nên các không gian ở, KTS đang đứng trước nhu cầu cần hài hòa giữa tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng của công trình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Câu chuyện nhà ở và văn hóa ở thông qua các góc nhìn của KTS, nhà báo và doanh nghiệp đã hướng đến việc giảm bớt khoảng cách giữa ý tưởng sáng tạo của KTS và thị hiếu thẩm mỹ của người dân trong lĩnh vực nhà ở đồng thời kết nối vật liệu xây dựng truyền thống với công nghệ tiên tiến. Từ đó để xuất những giải pháp cho những vấn đề nan giải của kiến trúc hiện đại cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội.
Cuộc thi Thiết kế “Ngôi nhà mơ ước” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp với Tập đoàn Thạch Bàn tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam đã chính thức phát động từ tháng 4/2017. Cuộc thi nhằm khuyến khích, tìm tòi các ý tưởng và giải pháp của các tổ chức, cá nhân hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc và đông đảo bạn đọc, người dân quan tâm yêu thích sáng tạo kiến trúc trong tạo dựng không gian ở văn minh, hiện đại, phù hợp với phong cách sống của người dân Việt Nam.
Với các hạng mục thi dành cho người chuyên nghiệp, bán chuyên và không chuyên, Cuộc thi dự kiến sẽ trở thành một hoạt động nghề nghiệp thường xuyên của giới KTS; một sân chơi thúc đẩy, hỗ trợ sự sáng tạo, huy động ý tưởng của mỗi người dân vì một nền kiến trúc phát triển, thân thiện với môi trường và chất lượng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Cường – Kỹ sư, Chủ tịch tập đoàn Thạch Bàn cho biết: “Là nhà tài trợ tổ chức chính của chương trình và cuộc thi, tập đoàn Thạch Bàn mong muốn chắp cánh những ý tưởng, sáng kiến độc đáo trong thiết kế kiến trúc không gian sống hiện đại. Với cuộc trò chuyện giữa các Kiến trúc sư, các cơ quan thông tấn báo chí. Thạch Bàn hy vọng góp phần đóng góp những sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến – hướng tới nâng cao chất lượng nhà ở, không gian ở theo xu hướng phát triển bền vững”. |
Nguồn: http://enternews.vn/cau-chuyen-nha-o-va-van-hoa-qua-goc-nhin-cua-kien-truc-su-114703.html