KIẾN TRÚC NHÀ Ở THỜI HIỆN ĐẠI: CHIA MÀ KHÔNG CẮT
“Thời nay, tôi thấy, nhiều người muốn có không gian riêng nên xây những ngôi nhà sống khép kín, tường rào chắn, sống cách biệt với bố mẹ, hàng xóm. Vậy thì, kiến trúc sư hãy tạo ra những ngôi nhà vừa đáp ứng nhu cầu có không gian riêng của giới trẻ, vừa có không gian chung giữ đạo hiếu với cha mẹ”.
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại tọa đàm “Nhà ở và văn hóa ở” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp Tập đoàn Thạch Bàn, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Việt Nam tổ chức.
Nhà ở, dù hữu ý hay một cách vô tình cũng cho thấy chiều hướng nội tâm, tình cảm của chủ nhân. Bởi vậy, câu chuyện nhà ở, trên thực tế là câu chuyện ứng xử, thiên về phản ánh lối sống nhiều hơn là phục vụ sự sống. Từ đây, nhà ở, một kiến trúc vật chất đã trở thành nơi hội tụ của nội cảm, cho thấy ứng xử của con người với giá trị bản thân, với người khác và hơn thế, với ngoại giới. Nếp nhà xưa đến chuyện nhà nay đã cho thấy những thay đổi của cuộc sống con người.
Ông Vạn cho rằng: “Văn hóa nhà ở là cách sống, mô típ sống, kiểu sống, quan hệ gia đình trong ngôi nhà đó. Ở phương tây, khi trưởng thành, cha mẹ sống tách biệt với con cái. Riêng ở Việt Nam, truyền thống có hiếu, ông bà, cha mẹ, con cháu sống quây quần trong môt ngôi nhà”.
Nếp nhà truyền thống, xuất phát từ nhu cầu trú ngụ và sinh hoạt nên rất phong phú, đa dạng, mỗi vùng miền thường có một số kiểu cấu trúc riêng. Coi trọng ứng xử, ngay cả ứng xử với không gian ngôi nhà, nên cha ông đã phân chia thành “chính” và “phụ” khá rõ rệt: nhà chính – nhà phụ; nhà trên – nhà dưới, gian chính – gian phụ.
Điều này còn phản ánh một khía cạnh khác, rất đẹp của tâm tình người Việt, ấy là sự hội tụ tâm sức, tài hoa, quan niệm của nhiều thế hệ trong một kết cấu vật chất. Người kế thừa thường sống trong sự trân trọng với quan niệm thế hệ đi trước. Sự kế thừa này đã làm cho ngôi nhà truyền thống bền vững suốt hàng nghìn năm, ngay cả khi ngôi nhà được làm mới, thì quan niệm cũ vẫn được gìn giữ. Thì đấy, mái ngói âm dương tuy đơn sơ, không chút cầu kỳ, hàng cột hiên khiêm nhường và đơn giản nhưng tất cả đều ẩn chứa bên trong cội nguồn và truyền thống. Chính từ đây có thể gọi, ngôi nhà là một mảnh tâm hồn, là ký ức, là tình cảm gia đình vun vén từ bao đời của người Việt.
Trong bối cảnh sống hiện đại, xu hướng toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ đã tạo ra những đổi thay to lớn trong kiến trúc nhà ở. Không chỉ là nơi trú ngụ đơn thuần, nhà ở còn thể hiện những thị hiếu thẩm mỹ và công năng đa dạng. Theo đó, mỗi kiến trúc sư được đứng trước những cơ hội mới để thể hiện tài năng; song cũng phải đối mặt nhiều thách thức trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng, sao cho không gian sống vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa đáp ứng nhu cầu tiện dụng.
Thông qua phần trò chuyện với các khách mời là các kiến trúc sư đã tạo được nhiều dấu ấn riêng trong phong cách thiết kế như: KTS Đoàn Kỳ Thanh, KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Bùi Bình Minh, KTS – nhà văn Trương Quý…, tọa đàm đã đem đến những góc nhìn nhằm giảm bớt khoảng cách giữa ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư với thị hiếu thẩm mỹ của người dân trong lĩnh vực nhà ở, cách kết nối vật liệu xây dựng truyền thống với công nghệ tiên tiến; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sống của không gian kiến trúc hiện đại.